Đừng bao giờ chờ đợi vào thứ gọi là cảm hứng 1
Linh Tinh

Đừng bao giờ chờ đợi vào thứ gọi là cảm hứng

Cảm hứng chỉ giúp bạn bắt đầu, kỷ luật mới giúp bạn hoàn tất

Thi thoảng khi nghĩ đến điều bạn muốn làm, như đánh được đàn ghi ta, tập thể dục, hay viết một cuốn sách, bạn sẽ nghĩ: khi nào có hứng mình sẽ bắt đầu. Nghĩa là bạn đang chờ đợi, vào một ngày đẹp trời, điều kì diệu mang tên “cảm hứng” đột nhiên va phải bạn, và từ đó bạn có thể băng băng về đích. Nhưng sự thật không phải vậy. Để hoàn thành, bạn phải cần đến một thứ, đó là kỷ luật bản thân. Vậy kỷ luật bản thân là gì?

Kỷ luật bản thân là làm những việc (hiện tại) bạn không thích, nhưng nó có ích cho bản thân. Ví dụ, đó là việc bạn tắt game để ngồi vào bàn học, off facebook để tập trung làm việc hơn, hay ngừng ngủ nướng để bước ra khỏi giường và tập thể dục. Rõ ràng vào lúc ấy, học bài, làm việc, tập thể dục là việc bạn không thích. Nhưng bạn biết rằng những điều đó có ích cho bản thân bạn. 

img_0

Cảm hứng đến, và đi cũng vô cùng ngẫu hứng. Bản chất của cảm hứng là giây phút thăng hoa, chứ nó không phải điều kiện tiên quyết đề làm nên một điều kì diệu. Cảm hứng sẽ giúp bạn hừng hực khí thế bắt tay vào để viết một cuốn sách 200 trang, nhưng có thể cảm hứng sẽ mất tiêu khi bạn vừa viết đến trang thứ 20. Cảm hứng có thể giúp bạn lên kế hoạch tập thể dục 30 ngày liên tiếp, nhưng có thể đến ngày thứ 3 bạn sẽ nản chí. Lúc này, chỉ có kỷ luật, sự bền bỉ, tập trung vào mục tiêu mới có thể giúp bạn đi đến cuối chặng đường. Không có việc vĩ đại nào trên thế giới được hoàn thành nhờ cảm hứng. Trong một bức thư gửi Murakami, nhà văn Raymond Chandler thú nhận bí quyết lớn nhất để hoàn thành các tác phẩm. Đó là dù không viết gì cả, thì ông cũng nhất định phải ngồi xuống bàn làm việc mỗi ngày và tập trung. Đây là cách Chandler rèn cho mình sức chịu đựng về thể chất mà một nhà văn chuyên nghiệp cần, âm thầm tăng cường sức mạnh ý chí của mình. Kiểu rèn luyện hàng ngày này là không thể thiếu đối với ông.

img_1

Nhà văn Raymond Chandler rèn luyện thói quen ngồi bên bàn viết mỗi ngày

 

Vậy làm thể nào luyện tập tăng kỷ luật bản thân? 
Ví dụ bạn đang đặt mục tiêu 6 múi, và bạn đang cảm thấy rất rất có hứng thú, vậy nên hôm nay bạn sẽ gập bụng 50 lần. Đừng, đừng làm vậy. Hãy duy trì 5 lần mỗi ngày. Vì sức lực hiện nay của bạn đang có thể gập 50 lần/ngày, thế nên việc duy trì gập chỉ 5 lần/ngày trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. 

Sau khi duy trì 5 lần/ngày trong vòng 30 ngày, năng lực “kỷ luật bản thân” của bạn đã được nâng cao. Lúc này bạn có thể nâng lên 10 lần/ngày.

Thêm nữa, bạn cũng phải bắt đầu ngay hôm nay! Bắt đầu ngay hôm nay tạo cho bạn một cái đà hoàn hảo. Nếu bạn trì hoãn để ngày mai bắt đầu, có thể ngày mai đó không bao giờ đến. 

Tôi thường thích những thử thách 21 ngày. Đó là khoảng thời gian đủ để chúng ta rèn luyện một thói quen và nó không quá dài đến mức làm chúng ta có thể quên lãng chúng. Hãy bắt đầu với một thứ bạn cảm thấy hứng thú và thử thách bản thân thực hiện điều đó. Ví dụ tôi đang đặt ra cho mình Bookmark Sharing Challenge, mỗi tuần phải đọc và chia sẻ 3 bài hay nhất mà tôi đọc được cho mọi người trong vòng 21 ngày và dài hơn là trong vòng 3 tháng. Có bạn nào hứng thú muốn tham gia cùng thì rất welcome.

Các bạn có bao giờ tự hỏi, liệu kỷ luật có làm mất đi cảm hứng và đặc biệt làm mất đi tính sáng tạo hay không?

Với những bạn làm công việc đòi hỏi sự sáng tạo như designer hay copywriter, những công việc luôn luôn, liên tục đòi hỏi sự sáng tạo thì các bạn lấy đâu ra sự sáng tạo thường xuyên như vậy? Không còn cách nào khác, các bạn vẫn phải ép mình phải làm làm và làm. Rồi cái cảm hứng/sáng tạo sẽ đến bất chợt trong một lúc nào đó mà chúng ta không thể ngờ đến được. Nếu bạn cứ ngồi chờ đợi cái gọi là “cảm hứng” thì có chúa mới biết được lúc nào bạn sẽ ra được siêu phẩm để đời. 

Vậy đó, muốn viết hay, muốn làm giỏi thì trước hết phải làm việc đó liên tục. Nghĩa là bạn luôn phải ép mình vào một khuôn khổ nhất định, nhưng tất nhiên vẫn phải đề cao chất lượng là trên hết. Giả sử bạn là một người thích viết và đang muốn rèn luyện kỹ năng viết. Hãy tự đặt cho mình một thử thách 7 ngày chẳng hạn – cứ 7 ngày sẽ viết 1 bài. Nghe có vẻ vô lý nhỉ, vì bạn thậm chí còn không biết mình muốn viết gì trước lúc bắt đầu. Nhưng đừng vội đánh giá rằng thứ văn viết chạy theo số lượng chỉ là thứ bỏ đi. Bạn phải thật sự tập trung vào mục tiêu đặt ra, mình nghĩ ngần ấy thời gian đủ để bạn có thể trau chuốt cho chất lượng của bài viết dù về bất cứ chủ đề gì. Nếu bạn chưa am hiểu chủ đề bạn muốn viết, bạn hoàn toàn có thể nghiên cứu tài liệu, tham khảo những cây viết “cứng” để học hỏi. Dần dần kỹ năng của bạn chắc chắn sẽ được trau dồi, và tôi cá là một trong những lúc bạn đi tìm chủ đề để viết hoặc nghiên cứu tài liệu chắc chắn bạn sẽ nảy ra cảm hứng hoặc một ý tưởng sáng tạo bất ngờ. Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi thì những lúc bạn cảm thấy khoan khoái và thoải mái nhất hoặc lúc bạn vừa hoàn thành một việc có ý nghĩa/có ích cho tương lai, cảm hứng sẽ đến, sức sáng tạo sẽ rất lớn. 

Nếu ban đầu thử thách này hơi quá sức hay hơi nhẹ nhàng đối với bạn thì hãy điều chỉnh nó sau đó cho phù hợp để bản thân bạn có một chút “áp lực” của tính “kỷ luật”. Điều đó sẽ khiến bạn làm việc hiệu quả hơn.

Bạn có thể áp dụng cho tất cả mọi thứ: học đánh đàn, dậy sớm hơn, hay viết một cuốn sách. Bắt đầu ngay từ bây giờ nhé!

 

Bài sưu tầm

Avatar of Bình Minh

Tui là Nguyễn Xuân Bình Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.