Trong phần trước BÀI 1: Ai sở hữu WordPress, người ta kiếm tiền trên đó như thế nào?, mình đã trao đổi về WordPress nói chung. Ở bài viết này, mình sẽ thảo luận và đưa ra các thông tin xung quanh các sự kiện WordCamp trên toàn thế giới.
WordCamp? Mục đích?
Theo như trang chủ của WordCamp.org thì WordCamp được miêu tả như sau.
WordCamp là một hội thảo tập trung vào mọi vấn đề liên quan tới WordPress. Các sự kiện WordCamp được tổ chức bởi các nhóm sử dụng WordPress. Sự kiện không giới hạn người tham gia, từ những người dùng bình thường cho đến những người tham gia vào core WordPress. Mục đích để chia sẻ kiến thức và hiểu biết lẫn nhau hơn.
Đó là lời miêu tả chung, còn về mục đích để mọi người tham gia thì có rất nhiều. Dựa trên kinh nghiệm của mình tham gia các sự kiện WordCamp ở khu vực thì sẽ có những mục đích sau:
- Tìm hiểu về những thông tin liên quan tới WordPress.
- Partnership: Các công ty, các nhóm làm việc hay thậm chí các cá nhân có thể tìm kiếm được sự hợp tác với nhau qua các event này.
- Quảng cáo: Nhiều công ty tham gia tài trợ và cử người tới từng WordCamp để giới thiệu sản phẩm của mình tới những người khác.
- Recruitment: Các công ty có thể tìm kiếm nhân viên và ngược lại nhân viên có thể tìm kiếm công việc.
- Friendship: Cái này là mình có được rất nhiều. Tới các sự kiện này, bạn có thể có các mối quan hệ bạn bè với những người làm cũng lĩnh vực với mình. Những người này có thể ở cùng thành phố, cùng đất nước, thậm chí ở cách nửa bán cầu.
WordCamp là một sự kiện phi lợi nhuận?
Đúng tất cả các WordCamp là các sự kiện phi lợi nhuận. Dưới đây là các thông tin mình giải thích về vấn đề này.
- Các sự kiện này được hỗ trợ và phải tuân theo các quy định rất khắt khe từ WordPress Foundation, tổ chức này cũng là một tổ chức phi lợi nhuận.
- WordPress Foundation hỗ trợ về chi phí tổ chức. Nếu những người tổ chức WordCamp mà có thể kêu gọi được tài trợ nhiều hơn số chi phí bỏ ra thì số tiền dư còn lại cần được gửi trả về cho WordPress Foundation để hỗ trợ các sự kiện khác.
- Tất cả những người tham gia tổ chức (organizers) và những người thuyết trình (speakers) đều không được nhận lợi ích về tài chính. Tất cả là dựa trên tinh thần tự nguyện.
- Thông tin về chi phí WordCamp phải được minh bạch và sẽ được lưu lại ở WordPress Foundation. Một số mẫu và thông tin cụ thể về vấn đề này tại trang Budget and Finances.
Nguồn tiền cho chi phí tổ chức? Phi lợi nhuận sao người tham gia vẫn phải mua vé?
Một WordCamp thông thường sẽ có các nguồn thu sau để trang trải cho các chi phi tổ chức:
- WordPress Foundation, bản chất cũng là từ các công ty khác đóng góp.
- Một số công ty tài trợ cho tất cả WordCamp trên toàn cầu, có thoả thuận với WordPress foundation.
- Các công ty địa phương (local sponsors), cụ thể theo từng nước hay từng thành phố
- Bán vé cho người tham dự
Người dự sự kiện phải mua vé là điều kiện bắt buộc. Ngoài việc đó là một nguồn tiền hỗ trợ cho việc tổ chức WordCamp, thì nó là một dạng chi phí khiến cho người tham gia có trách nhiệm đăng ký và tham dự event. Một event vài trăm người, trong một ngày, nếu chỉ có 30% người đăng ký tham dự dến là một sự lãng phí vô cùng lớn. Tuy nhiên, có thể yên tâm là mức giá sẽ hợp lý để nhiều người nhất có thể tham gia. Xem thông tin về vấn đề này ở trang Selling Tickets.
Cân bằng giữa tài trợ và đảm bảo tính mở của WordPress
Một sự kiện phi lợi nhuận như WordCamp cần phải có các bên sẵn sàng quyên góp và tài trợ. Tuy nhiên, tài trợ đây không có nghĩa là các công ty có quyền làm bất cứ thứ gì họ muốn. Việc tài trợ và tính mở của WordPress sẽ được đảm bảo hài hoà.
- Thứ nhất, các bên tham gia tài trợ phải tôn trọng bản quyền thương hiệu của WordPress, licence GPL của WordPress và Code of Conduct.
- Thứ hai, các bên tài trợ cần phải theo các gói tài trợ mà nhóm tổ chức WordCamp đưa ra.
- Thứ ba, việc tài trợ cho WordCamp không đồng nghĩa với việc đảm bảo đại diện của công ty đó sẽ được làm speaker ở chương trình. Xem thêm ở mục Applying to speak.
Đây là một ví dụ điển hình về công ty Pantheon đã có một số hành động không đúng mực ở WordCamp US 2016, và nhóm tổ chức WordCamp này đã quyết định loại bỏ công ty trước sự kiện đúng một ngày.
Tổ chức WordCamp có vẻ đơn giản?
Thực ra khá là phức tạp vì phải theo theo rất nhiều yêu cầu cụ thể và chi tiết từ WordPress Foundation như đã nói ở trên. Mặc dù vậy, việc này vẫn rất là tốt vì tất cả các yêu cầu đó đều làm sự kiện diễn ra trơn tru và minh bạch.
Ngoài ra, các sự kiện tổ chức WordCamp thường là do những người làm việc liên quan tới WordPress, không phải là những người làm sự kiện chuyên nghiệp. Từng giai đoạn liên quan tới sự kiện, những người này phải tìm hiểu, liên hệ và trực tiếp tiến hành. Do vậy, việc tổ chức sẽ có khó khăn nhất định với những người này.
WordCamp ở Việt Nam? Tại sao không?
Trên thế giới, mỗi năm có trung bình khoảng 100 sự kiện WordCamp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng ta mới chỉ có duy nhất một lần, đó là WordCamp Hà Nội 2014. Sự kiện này có khoảng 120 người tham gia.
Tại thời điểm này (tháng 05/2017), mình và một nhóm các bạn làm về WordPress đang cố gắng tổ chức một sự kiện tương tự, WordCamp Sài Gòn 2017. Hiện tại, nhóm mình vẫn đang cố gắng chốt lại các vấn đề về budget và địa điểm. Nếu bạn nào muốn tham gia tổ chức, thuyết trình, hay tình nguyện về vấn đề gì đó thì có thể liên hệ qua form ở trên site.