BÁCH HOA XANH NHƯ LÀ MỘT CHỦ NGHĨA TƯ BẢN THẢM HỌA 1
Linh Tinh

BÁCH HOA XANH NHƯ LÀ MỘT CHỦ NGHĨA TƯ BẢN THẢM HỌA

“Rau răm nó (Bách hóa xanh) bán 14.000 ngàn, các bạn thấy không? Nó lên gấp 3, gấp 4 lần người ta” – lời lẽ đầy phẫn nộ của một người phụ nữ livestream trên Facebook, một tay cầm bó rau răm, tay cầm tờ hóa đơn đưa lên màn hình sau khi bà ấy đã mua cửa hàng Bách hóa xanh ở TP HCM trong những ngày chỉ thị 16 được ban hành, sau khi nhiều chợ truyền thống ở TP HCM phải đóng cửa do covid-19. Nếu ai đi chợ thì đều biết rau răm thậm chí không cần mua, xin là có thể cho.
 
Đây không chỉ là nỗi phẫn uất của một người sau khi đi Bách hóa xanh, trên các trang mạng xã hội nhiều người dân tỏ ra thái độ không hài lòng đối với hành động Bách Hóa Xanh. Khi chính nhà nước đã tạo điều kiện cho Bách Hóa Xanh hoạt động trong mùa dịch để đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của đời sống người dân trong tâm dịch nhưng hành động và biện minh của Bách Hóa Xanh cho việc tăng giá do các chi phí đầu vào và xét nghiệm covid cho nhân viên tăng vẫn không thể làm hài lòng dân chúng do có sự chênh lệch giá với siêu thị lớn. Mọi người đều nhận thấy rằng việc Bách Hóa Xanh lợi dụng tâm dịch bệnh để tăng giá. Không chỉ Bách Hóa Xanh, nhiều tay lái buôn đã mua hàng siêu thị số lượng lớn và bán giá cắt cổ lại cho người lao động. Cũng như nhiều dịch vụ vận tải công nghệ cao như Grab lợi dụng thảm họa covid-19 tại Việt Nam tạo rất nhiều lợi nhuận cho bản thân, trong khi bỏ bê đời sống những người tài xế có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Tất cả mọi thứ đó đều được gọi là “chủ nghĩa tư bản thảm họa”.
 
Khái niệm “chủ nghĩa tư bản thảm họa” được đề xuất bởi học giả Naomi Klein trong cuốn sách “Sốc – Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản thảm họa” do chính bà chấp bút. Chủ nghĩa tư bản thảm họa mà Naomi Klein đề xuất nhằm chỉ ra rằng nhà nước tư bản và xã hội tư bản như ở Mỹ là một ví dụ điển hình sẽ lợi dụng thảm họa thiên nhiên (hoặc nhân tạo) nhằm để đưa ra các quyết sách trục lợi lên thân xác người lao động nghèo. Lợi dụng thảm họa giáng lên cộng đồng, nhất là lao động nghèo, chủ nghĩa tư bản chỉ biết vì lợi nhuận vét đầy túi tham, đây cũng là khía cạnh bệnh hoạn nhất của chủ nghĩa tư bản.
 
Ở Hoa Kỳ khi dịch covid-19 bùng nổ ra năm ngoái, chủ nghĩa tư bản thảm họa đã được kích hoạt bằng cách phá giá các sản phẩm về liên quan đến vệ sinh, thay vì cung cấp cho những người đang rất cần. Amazon thu được lợi nhuận khổng lồ từ covid-19 khi các đơn đặt hàng gia tăng nhưng cũng đã thẳng tay đuổi việc các công nhân khi họ yêu cầu cải thiện môi trường lao động tốt hơn để phòng chống dịch bệnh covid-19. Donald Trump cũng đã đề xuất gói hỗ trợ 700 tỷ USD cùng với loại bỏ thuế trả lương cho đến cuối năm, điều này dẫn đến việc cắt giảm bảo hiểm xã hội cho người già, người khuyết tật và Medicare.
 
Ở Việt Nam hiện nay, doanh thu của Grab, các trang bán điện tử lớn như Lazada, Shoppee, Tiki chắc chắn sẽ tăng đáng kể khi lượng đặt hàng online tăng nhanh chóng khi mọi người ở trong nhà và không thể ra ngoài đường. Các tài xế Grab là những người chịu rủi ro rất cao trong đại dịch covid-19 này. Lợi dụng kẻ hở, Grab chỉ xem những người tài xế là “đối tác” không phải nhân viên vì thế Grab không đóng cho các tài xế bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, hay cung cấp dịch vụ xét nghiệm covid-19 cho các tài xế. Những tài xế không được trạng bị biện pháp bảo vệ sức khỏe trước dịch covid-19. Ngày 18.6, đại diện Trạm y tế phường Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM cho biết, một tài xế GrabBike dương tính với Covid-19 lần 1 ngụ tại địa phương và những người liên quan đã được đưa đi cách ly tập trung. Nhưng những người tài xế đó vẫn phải ra ngoài đường, vì mưu sinh nhưng không được từ phía Grab hỗ trợ và hoàn toàn bị chối bỏ trách nhiệm nghĩa vụ lao động của doanh nghiệp. Thậm chí, nếu tài xế khóa app quá lâu mà không chạy thì Grab có quyền khóa ứng dụng tài xế đó lại. Đôi khi Grab sẽ tạo ra hàng trăm cái cớ khóa tài khoản của tài xế cũng như tạo ra cách giải quyết khiếu nại dài dòng lê thê để cho tài xế nản bỏ cuộc. Nói chung mọi cách để bắt ép đẩy người tài xế ra ngoài đường kiếm lợi nhuận cho Grab.
XÂY DỰNG MỘT NỀN KINH TẾ ĐẠO NGHĨA
Grab, Bách Hóa Xanh hay nhiều doanh nghiệp lớn khác đang vẫn lợi dụng covid-19 để trục lợi trên thân xác người lao động ở Việt Nam nhưng chưa được phơi bày trên báo chí. Việc người lao động cần phải làm là cùng nhau xây dựng một NỀN KINH TẾ ĐẠO NGHĨA trong mùa dịch covid-19 để cùng nhau vượt qua.
 
Khái niệm “kinh tế đạo nghĩa” do sử gia Marxist là EP Thompson đề xuất, sau này được phát triển bởi nhà nhân loại học James C Scott trong cuốn sách “Kinh tế đạo nghĩa của người nông dân Đông Nam Á”. Kinh tế đạo nghĩa là một hình thức tương trợ, chia sẻ và trao đổi bất cân xứng của mạng lưới người nông dân khi cùng nhau vượt qua các năm mất mùa đói kém trên đồng ruộng. Trong bối cảnh ở TP.HCM từ năm ngoái đến đây, chúng ta vẫn thấy hành động mang tính kinh tế đạo nghĩa, từ những chuyến xe 0 đồng từ các tỉnh đưa vào TP.HCM để cung cấp lương thực giá rẻ so với Bách Hóa Xanh rât nhiều, trụ ATM gạo, những quán cơm từ thiện cho người nghèo. Mạng lưới kinh tế đạo nghĩa đang được hỗ trợ mở rộng và phát triển. Nó đạp bay khái niệm “con người kinh tế” của Adam Smith khi dưới con mắt hẹp hòi của bọn kinh tế học là con người là những kẻ ích kỷ, hẹp hòi, luôn tối đa hóa lợi nhuận cho bản thân. Nhưng những hành động chuyến xe 0đ, những trang FB đăng bán giá thực phẩm rẻ cho người dân TP HCM đang trở thành làn sóng thể hiện tính đoàn kết của người dân trong đại dịch.
 
Mạng lưới kinh tế đạo nghĩa nên mở rộng ra những quận, những phường, những khu phố, con hẻm đang bị cách ly để cùng nhau vượt qua đại dịch và tẩy chay những doanh nghiệp lợi dụng đại dịch này để làm giàu.
 
Vượt lên trên vấn đề dân tộc là vấn đề giai cấp.
Tất cả giai cấp vô sản đoàn kết lại vượt qua đại dịch covid-19
 
Avatar of jamesblackvn

Tui là jamesblackvn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.